Thực hiện một số công tác trọng tâm phòng, chống dịch để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Ngày đăng: 08/03/2022, 14:18

              Theo thống kê và đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh), tình hình dịch COVID-19 qua hệ thống giám sát y tế trên địa bàn tỉnh, mặc dù tỷ lệ bao phủ vắc xin đã đạt ở mức cao, tuy nhiên số trường hợp nhiễm COVID-19 tăng đột biến trong thời gian qua. Ban Chỉ đạo tỉnh đã triển khai hàng loạt các biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, tạo điều kiện cho các trường hợp nhiễm COVID-19 thể nhẹ và không triệu chứng được theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà theo đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ Y tế, song công tác quản lý ca nhiễm ở địa phương (cấp huyện, xã) chưa tốt và còn nhiều bất cập; các giải pháp chống dịch chưa được thực hiện đồng bộ tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh; đồng thời cũng đã xuất hiện tâm lý chủ quan của người dân, không khai báo y tế khi nhiễm COVID-19 khiến cho Ban Chỉ đạo các cấp khó khăn trong việc thống kê, dự báo tình hình và xử lý dịch bệnh trên địa bàn quản lý.
             Dự báo trong thời gian tới, các hoạt động kinh tế - xã hội đang từng bước trở lại trạng thái bình thường có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, sẽ làm gia tăng số ca nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).
             Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho nhân dân; đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực trong tình hình mới; Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện một số công tác trọng tâm sau:
             1. Yêu cầu giữ nguyên các nguyên tắc phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo quốc gia, tăng cường các biện pháp kiểm soát tại cộng đồng, đồng thời triển khai thêm một số biện pháp cần thiết để đáp ứng tình hình mới. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.
             2. Củng cố năng lực ứng phó với dịch COVID-19 trong tình hình mới.
             Để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID19 trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu ngành y tế và các địa phương cần chuẩn bị các nội dung sau:
             a) Giao Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh rà soát, bổ sung các nội dung trong kịch bản và phương án bảo đảm công tác y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo từng cấp độ dịch; tổ chức triển khai tốt để ứng phó với giai đoạn dịch lan rộng như hiện nay.
             b) Ngành Y tế tăng cường khả năng thu dung, điều trị và chăm sóc người mắc COVID-19 với các nội dung sau:
             - Phối hợp cùng các địa phương đánh giá năng lực quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 (F0) tại các tuyến xã; bảo đảm đáp ứng về giường bệnh COVID19 tại cơ sở thu dung điều trị cấp huyện và giường hồi sức cấp cứu (ICU) có đủ nhân viên y tế phục vụ tại tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả y tế tư nhân) sẵn sàng đảm bảo đáp ứng tình hình dịch ở cấp độ cao nhất. Thường xuyên cập nhật số liệu và quản lý phần mềm báo cáo các cơ sở thu dung, điều trị F0.
            - Thực hiện đánh giá, phân loại bệnh nhân tại tất cả các tuyến, nhất là từ tuyến xã để triển khai quản lý, chăm sóc F0 tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế phù hợp; không để tình trạng chuyển tầng, chuyển tuyến không đúng chỉ định nhằm giảm quá tải tuyến trên.
             - Triển khai kế hoạch bảo đảm năng lực điều trị: các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên có hệ thống cung cấp ô xy hóa lỏng, khí nén; các trạm y tế xã, phường, thị trấn bảo đảm cung cấp ô xy y tế; triển khai kế hoạch tổ chức các trạm y tế lưu động, đội cấp cứu lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ chức quản lý F0 tại nhà; địa bàn có dịch bệnh cấp 3 trở lên phải có phương án mở rộng năng lực thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 không để quá tải diện rộng.
            - Xây dựng phương án để tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình “Bệnh viện tách đôi” vừa điều trị bệnh nhân thông thường vừa điều trị COVID-19. Bảo đảm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý chặt chẽ, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
            c) Tiếp tục nâng cao năng lực thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân các tuyến nhất là tuyến cơ sở. Tập huấn và thực hiện phân loại, điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp của Bộ Y tế, tránh tình trạng dồn lên bệnh viện tuyến trên gây quá tải. Rà soát, chủ động tăng cường năng lực hệ thống y tế; có kế hoạch rõ ràng với các kịch bản cụ thể, không để bị động. Tuyệt đối không để tình trạng người dân xét nghiệm có kết quả dương tính mà không tiếp cận được dịch vụ y tế, không được cấp phát thuốc, không được quản lý, theo dõi sức khỏe. Đảm bảo không bỏ sót việc cung cấp oxy y tế, chuyển tuyến kịp thời cho người thuộc nhóm nguy cơ tăng nặng, tử vong, người khó tiếp cận khi theo dõi tại nhà. Xây dựng hệ thống chuyển tuyến đảm bảo sự tiếp cận của mọi người dân.
           d) Tiếp tục tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực giám sát, quản lý cách ly và điều trị trên địa bàn.
           3. Đối với việc xét nghiệm
           a) Việc xét nghiệm được thực hiện bằng một phương pháp hoặc kết hợp các phương pháp xét nghiệm khác nhau để phát hiện SARS-CoV-2; xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ do cơ quan quản lý đơn vị, địa bàn tự tổ chức xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao, cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế.
           b) Việc thực hiện xét nghiệm để xử lý ổ dịch: Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm cho phù hợp, lấy mẫu xét nghiệm giải trình tự gen các trường hợp có dấu hiệu bất thường.
           c) Không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân khi di chuyển trong nước.
           4. Đối với việc cách ly y tế Đối với người người tiếp xúc gần (F1), người nhập cảnh: thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Công văn số 543/SYT-NVY ngày 21/02/2022 của Sở Y tế về việc triển khai cách ly y tế đối với ca bệnh COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc gần.
            5. Về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
            - Tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng COVID-19 "thần tốc hơn nữa"; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm Vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi được cấp vắc xin. Tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
            - Triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng chống COVID-19; tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.
            - UBND – Ban Chỉ đạo cấp huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động xây dựng ngay kế hoạch và thực hiện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động những người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ, các bậc phụ huynh cho con em đi tiêm chủng kịp thời, an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả, đúng quy định; chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho đối tượng 5-11 tuổi ngay khi tiếp nhận.
             6. Đối với việc cách ly, theo dõi, điều trị ca bệnh COVID-19:
             - Tiếp tục triển khai kế hoạch phân tầng thu dung và điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai trong tình hình mới để đảm bảo nguyên tắc chỉ đạo, điều hành, điều phối và điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 theo năng lực đáp ứng về hệ thống y tế cơ sở và tình trạng sức khỏe của người bệnh, đảm bảo tối đa hiệu quả theo dõi, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm COVID-19.
             - Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo hệ thống chính trị cơ sở cùng y tế tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát các bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nhà, tránh để tình trạng y tế quá tải, người bệnh không tiếp cận được các dịch vụ y tế.
             - Tổ chức kiểm tra đột xuất việc quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà và kiểm tra việc địa phương tổ chức khám, đánh giá nguy cơ để áp dụng cách ly điều trị tại nhà theo hướng dẫn tại Quyết định số số 261/QĐ-BYT ngày 31/01/2022 của Bộ Y tế về “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà”.
             - Quan tâm xây dựng bổ sung các chính sách, chế độ và các hình thức động viên, khen thưởng đối với đội ngũ nhân viên y tế và mạng lưới tham gia tư vấn, điều trị, chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế dự phòng, các Trung tâm hồi sức tích cực, các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
             7. Đối với việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong các trường học
             - Căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến địa bàn cấp xã) để để tổ chức dạy, học trực tiếp; chủ động các biện pháp xử lý khi có trường hợp F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan; bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự yên tâm, đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường an toàn.
             - Nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng chống dịch trong trường học.
             8. Đối với công tác đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công thương.
             9. Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết các loại thuốc, vật tư, test và giá xét nghiệm COVID-19 tại các cơ sở y - dược tư nhân; xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân vi phạm.
            10. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức, truyền tải đúng, kịp thời nhằm cung cấp thông tin 5 đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp để chủ động thực hiện tốt “mục tiêu kép” với tinh thần không chủ quan lơ là nhưng không hoang mang lo lắng; chủ động triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo của tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai, thực hiện./
 
File đính kèm - Click để xem chi tiết

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công