Ngành công nghiệp giữ vững đà tăng trưởng

Ngày đăng: 04/01/2024, 10:43

(GLO)- Trong bối cảnh kinh tế khó khăn song ngành công nghiệp của tỉnh Gia Lai vẫn phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về chế biến nông-lâm sản, năng lượng tái tạo để duy trì đà tăng trưởng 9,45% trong năm 2023.

8 sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng khá

Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 (giá so sánh năm 2010) là 31.620 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch và tăng 9,45% so với năm 2022. Trong đó, công nghiệp khai khoáng chiếm hơn 230 tỷ đồng (đạt 100,1% kế hoạch và tăng 18,1%); công nghiệp chế biến, chế tạo đạt hơn 19.483 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch, tăng 12,3%); công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt đạt 11.800 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch, tăng 5%); cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt hơn 107 tỷ đồng (đạt 100,2% kế hoạch, tăng 4,1%).

Đáng chú ý, trong năm 2023, tỉnh có 8 sản phẩm chủ lực tăng sản lượng so với năm 2022. Cụ thể, nước ép trái cây đạt 28.020 tấn, tăng 2,05 lần; đường tinh chế đạt 321.000 tấn, tăng hơn 56%; chế biến sữa đạt 29,4 triệu lít, tăng 35,4%; tinh bột mì đạt 227.500 tấn, tăng 24,7%; phân vi sinh đạt 36.550 tấn, tăng 4%; chè các loại đạt 2.010 tấn, tăng 2%; đá granite đạt 1,44 triệu m2, tăng 0,6%; sản lượng điện thực hiện đạt 12,062 tỷ kWh, tăng 2,6%.

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đều gắn với các nhà máy lớn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.T

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đều gắn với các nhà máy lớn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: V.T

Ông Lưu Quốc Thạnh-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) cho hay: Năm 2023, nhà máy đã thu mua và chế biến khoảng 70.000 tấn chanh dây tươi để sản xuất các mặt hàng như: nước chanh dây cô đặc đông lạnh (chiếm khoảng 80%), nước chanh dây thanh trùng đông lạnh, hương chanh dây đông lạnh phục vụ xuất khẩu đến hơn 40 nước trên thế giới. Công ty có năng lực thu mua và chế biến rất lớn, hương vị chanh tím ngày càng được thế giới ưa chuộng so với chanh vàng của khu vực Nam Mỹ giúp ổn định đầu ra mặt hàng chanh dây cho nông dân. Tuy nhiên, vào cao điểm mùa thu hoạch hàng năm (từ tháng 5 đến tháng 7), do cung vượt cầu nên giá chanh dây giảm mạnh. Trước tình hình đó, đơn vị định hướng nông dân trồng rải vụ.

Còn ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê thì cho biết: Những năm qua, Nhà máy chú trọng đầu tư bổ sung nhiều trang-thiết bị để nâng công suất ép lên 18.000 tấn mía/ngày. Hiện nay, Nhà máy đã phát triển vùng nguyên liệu mía lên gần 30.000 ha trên địa bàn 4 huyện, thị xã phía Đông tỉnh.

Niên vụ 2023-2024, Nhà máy dự kiến ép hơn 2 triệu tấn mía. Để chủ động nguồn nguyên liệu, Nhà máy sẽ ưu tiên thu mua mía trên địa bàn huyện Kông Chro, sau đó đến một số xã của huyện Đak Pơ, Kbang và thị xã An Khê. Giá thu mua là 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường tại ruộng. Nhà máy cũng sẽ hỗ trợ đầu vụ 20 ngàn đồng/tấn mía thuần (mía chưa tính chữ đường) cho nông dân.

Nhiều dư địa phát triển công nghiệp chế biến

Gia Lai có gần 850.000 ha đất nông nghiệp màu mỡ, cùng điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có khoảng 100.000 ha cà phê, 102.900 ha cao su, 32.000 ha cây ăn quả, 20.000 ha điều, 79.300 ha mì, 76.000 ha lúa nước, 37.000 ha mía, 690 ha chè... Đây là cơ sở để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 8.000 cơ sở tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến. Riêng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đều gắn với các nhà máy lớn như 5 nhà máy chế biến tinh bột mì, 2 nhà máy chế biến đường tinh chế, 2 nhà máy chế biến chè, 5 nhà máy chế biến hạt điều nguyên liệu, 4 nhà máy sản xuất, chế biến hồ tiêu, 15 cơ sở sản xuất, chế biến mủ cao su và hàng trăm cơ sở sản xuất, chế biến cà phê...

Trên địa bàn tỉnh còn có 3 khu công nghiệp (Khu Công nghiệp Trà Đa, Khu Công nghiệp Nam Pleiku và Khu Công nghiệp-Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) và 23 cụm công nghiệp đã quy hoạch với tổng diện tích 1.245,33 ha.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: “Hiện nay, công nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, tác động lan tỏa đến chất lượng và sự ổn định tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản hàng năm tăng khá cao và tiếp tục là động lực tăng trưởng, chiếm hơn 61% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay, công nghiệp chế biến vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số sản phẩm có tỷ lệ chế biến sâu còn thấp, chưa tận dụng được hết nguồn nguyên liệu trên địa bàn như: tỷ lệ chế biến cà phê bột mới chỉ đạt 23,28%; tỷ lệ chế biến tiêu sọ đạt 13,2%; chế biến mủ cao su chỉ dừng lại ở sản xuất sản phẩm thô. Đó chính là yếu tố khiến sản phẩm chưa gia tăng được giá trị cũng như làm giảm đi sức cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường”.

Công nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp. Ảnh: Đ.T

Công nghiệp chế biến đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp. Ảnh: Đ.T

Theo ông Binh, để ngành công nghiệp chế biến phát triển, tỉnh cần tăng cường kêu gọi và thu hút các dự án đầu tư công nghiệp chế biến dược liệu, thức ăn chăn nuôi; chế biến rau, củ, quả; các dự án chế biến sâu các sản phẩm sau đường; chế biến cà phê, hồ tiêu; chế biến các sản phẩm tiêu dùng từ cao su; sản xuất cồn sinh học từ mì lát...

Bên cạnh đó, cần tập trung kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp; phấn đấu thành lập, mở rộng, đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và thu hút các dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp đã được phê duyệt lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng.

Năm 2024, ngành Công thương phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) đạt 35.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2023. Để đạt chỉ tiêu đề ra, dự kiến các nhóm sản phẩm chủ lực đóng góp vào giá trị tăng thêm khoảng 3.380 tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu vẫn là nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến các nông sản chủ lực đóng góp vào giá trị tăng thêm khoảng 1.121 tỷ đồng nhờ vào việc các nhà máy đường, nước ép hoa quả, tinh bột mì, sản phẩm sữa, gỗ MDF tăng công suất hoạt động và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến gỗ, viên nén nhiên liệu, xi măng, bê tông công trình, khai khoáng, nước uống dược liệu, hồ tiêu, điều… đóng góp vào giá trị tăng thêm khoảng 1.263 tỷ đồng. Nhóm điện sản xuất ước giá trị tăng thêm khoảng 428 tỷ đồng nhờ vào việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho 6 nhà máy điện gió với công suất 395 MW đã đầu tư và 4 dự án điện gió đã phát điện 1 phần, phần còn lại với công suất 287,8 MW đi vào hoạt động sẽ đóng góp tăng thêm vào kế hoạch năm 2024 hơn 453 triệu kWh. Nhóm các dự án mới đi vào hoạt động sẽ đóng góp vào giá trị tăng thêm hơn 275 tỷ đồng.

 

 

File đính kèm

    cac-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-deu-gan-voi-cac-nha-may-lon-tren-dia-ban-1453.jpg
Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công