Tăng cường y tế cơ sở phòng-chống dịch Covid-19

Ngày đăng: 25/11/2021, 11:45

(GLO)- Sáng 23-11, đoàn công tác của Bộ Y tế, Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về công tác phòng-chống dịch Covid-19.

Về phía đoàn công tác của Bộ Y tế, tham dự buổi làm việc có Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh Cao Hưng Thái; lãnh đạo Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Cao Hưng Thái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh Cao Hưng Thái phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Như Nguyện

Về phía tỉnh Gia Lai, tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan.

Số ca mắc Covid-19 vượt mốc 3.000

Thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-cho biết: Tính từ ngày 26-4-2021 đến 9 giờ ngày 23-11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3.001 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; đã có 8 ca tử vong. Riêng số trường hợp đi từ vùng dịch về từ ngày 1-10 đến ngày 23-11 phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 là 1.393 ca (1.258 ca dương tính mới và 135 ca tái dương tính). Hiện có 1.235 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đang điều trị. Dịch bệnh đang lưu hành và xuất hiện nhiều ca dương tính trong cộng đồng tại 3 huyện Chư Păh, Mang Yang, Ia Grai, TP. Pleiku và nhất là tại huyện Đak Đoa.

Về đánh giá cấp độ dịch theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, toàn tỉnh cấp độ 2 (nguy cơ trung bình); cấp huyện có 12/17 huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp độ 1 (bình thường mới), có 4/17 huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp độ 2 và có 1/17 huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp độ 3 (nguy cơ cao) là huyện Đak Đoa. Không có địa phương cấp độ 4. Đối với cấp xã, có 1/220 xã, phường, thị trấn cấp độ 4 là xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa); 3/220 xã, phường, thị trấn cấp độ 3, gồm: phường Hoa Lư, xã Tân Sơn (TP. Pleiku), xã Đak Krong (huyện Đak Đoa); 20/220 xã, phường, thị trấn cấp độ 2 và 196/220 xã, phường, thị trấn cấp độ 1.

Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, tỉnh Gia Lai đã thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế thiết lập 2 bệnh viện dã chiến, 10 bệnh viện điều trị Covid-19 và phân thành 3 tầng theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiến hành rà soát phương tiện, máy móc để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh và có phương án dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hóa chất, bố trí cơ số giường bệnh để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung điều trị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thông tin về tình hình dịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch thông tin về tình hình dịch trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Như Nguyện


Trao đổi thêm về diễn biến dịch bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Trong vòng 1 tuần, tỉnh Gia Lai đã xuất hiện thêm ổ dịch mới tại xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa) với 8/8 thôn, làng đều có ca dương tính (trong đó, 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số). Ổ dịch tại xã Hà Bầu là ổ dịch lớn nhất trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay, nguồn lây từ làng Kép (phường Đống Đa, TP. Pleiku) và có thể đã qua 3-4 chu kỳ lây nhiễm. Các ổ dịch lần này đã ghi nhận số lượng lớn các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại các thôn, làng với tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, có mối liên hệ mật thiết với nhau, cùng chung phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, cộng đồng và nhất là đang trong giai đoạn thu hoạch vụ mùa; nhận thức về dịch bệnh đối với người dân còn khá hạn chế nên dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm cao và khó kiểm soát.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch, cái khó nhất của tỉnh Gia Lai hiện nay là về hệ thống y tế cơ sở, nhân lực mỏng, địa bàn rộng, phương tiện thiếu…; nếu có dịch xảy ra trên diện rộng thì y tế cơ sở sẽ bị quá tải. Hiện nay, Gia Lai đang hướng đến thực hiện mô hình "4 tại chỗ" đối với y tế tại địa phương, tại cộng đồng để khi có tình huống ca mắc lớn thì đảm bảo các điều kiện chăm sóc y tế ngay từ cơ sở, tránh quá tải cho hệ điều trị tuyến tỉnh. Tỉnh mong muốn đoàn công tác hướng dẫn cho tỉnh thiết lập mạng lưới hệ thống y tế cơ sở phù hợp với nguồn nhân lực thực có, hướng dẫn phương pháp, cách làm để giúp y tế cơ sở đảm đương được nhiệm vụ trong công tác phòng-chống dịch. Đối với công tác điều trị, với hệ thống máy móc, thiết bị, nhân lực như hiện nay, tỉnh Gia Lai quan tâm nhất là điều trị tầng 3 tầng 4. Vì vậy, đề nghị Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) có sự hỗ trợ thêm cho Gia Lai trong thiết lập điều trị tầng này. Một vấn đề khác là tỷ lệ phủ vắc xin của tỉnh hiện nay vẫn còn thấp, trong đó phủ mũi 2 chỉ mới trên 36%, vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng. Hiện Gia Lai đang thiếu 200.000 liều vắc xin Pfizer phủ mũi 2 cho người dân. Số vắc xin phân bổ tiêm cho học sinh mới được cấp khoảng 30% so với nhu cầu, đề nghị Bộ Y tế quan tâm cấp vắc xin cho Gia Lai để khẩn trương tiêm phủ kịp thời tạo miễn dịch cộng đồng, giảm tỷ lệ các ca bệnh nặng và tử vong.

Hỗ trợ Gia Lai chống dịch

Tại cuộc họp, ông Viên Chinh Chiến-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên-đề xuất: Trong tình hình mới hiện nay, tỉnh Gia Lai cần phải tính tới phương án là cùng một lúc có thể điều trị bao nhiêu F0, nếu chưa quá tải thì chưa nhất thiết điều trị F0 tại nhà, nhất là tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về công tác xét nghiệm, cần áp dụng mô hình khoanh vùng rộng, phong tỏa hẹp nhất có thể, áp dụng chiến lược xét nghiệm vào các ngày 1, 3, 7 trong các vùng phong tỏa để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Về vấn đề sản xuất trong khu phong tỏa, cần cân nhắc phương án khi các đối tượng đã có xét nghiệm âm tính thì cho phép các đối tượng trong khu vực đó được phép sản xuất với điều kiện không được ra ngoài khu vực phong tỏa và làm đơn lẻ, không tập trung.

Liên quan đến công tác thu dung, điều trị Covid-19, ông Lê Đình Thanh-Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đã tư vấn, hướng dẫn thêm cho tỉnh Gia Lai trong việc phân tầng điều trị trong tháp 3 tầng, lưu ý về vấn đề oxy, nước dinh dưỡng, vận động, thuốc… trong điều trị cho bệnh nhân Covid-19, nhất là bệnh nhân có bệnh nền. Đồng thời, Bệnh viện Thống Nhất cũng cam kết trong việc hỗ trợ về chuyên môn, cho Gia Lai mượn một số vật tư, máy móc, trang-thiết bị… phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Dịp này, Bệnh viện Thống Nhất-TP. Hồ Chí Minh trao tặng tỉnh Gia Lai một số máy móc, trang thiết bị phòng-chống dịch. Ảnh: Như Nguyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) tiếp nhận một số máy móc, trang-thiết bị phòng-chống dịch do Bệnh viện Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) trao tặng. Ảnh: Như Nguyện


Kết luận tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh Cao Hưng Thái đánh giá cao công tác chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo tỉnh trong công tác phòng-chống dịch; trong đó chỉ đạo nhanh, kịp thời, đồng bộ, sát thực tế linh hoạt và kiên quyết. Tình hình dịch tại Gia Lai hiện nay ở mức trung bình thấp và tỷ lệ tử vong thấp. Điều này cho thấy, Gia Lai đã triển khai các giải pháp tích cực trong việc giảm tỷ lệ tử vong, đây là điều đáng mừng. Đối với vấn đề vắc xin, trong tháng 11 và tháng 12-2021, số vắc xin về rất nhiều đảm bảo đủ để tiêm phủ mũi 2 cho người dân cũng như triển khai tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi. Vì vậy, Gia Lai có thể an tâm về việc được cấp vắc xin đảm bảo tiêm cho người dân.

Về công tác xét nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh Cao Hưng Thái đề nghị Gia Lai cần nghiên cứu tổ chức linh hoạt, phù hợp để giảm chi phí và nhân lực không cần thiết nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả trong việc phát hiện các ca bệnh và tiến hành dập dịch hiệu quả. Trong vấn đề xét nghiệm, nếu có khó khăn, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên sẽ hỗ trợ, đặc biệt là về kỹ thuật chuyên môn cho tỉnh Gia Lai. Đối với công tác cách ly y tế, hiện Gia Lai đang làm rất tốt trong việc cách ly tập trung đối với F1; tuy nhiên, theo quan điểm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, tỉnh cần sớm triển khai việc cách ly F1 tại nhà.

Về công tác điều trị, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám-chữa bệnh đề nghị Gia Lai thiết lập hệ thống bám vào hệ thống y tế đã có,  thiết lập phân tầng điều trị, trong đó quan tâm tầng 1 và đặc biệt quan tâm y tế cơ sở, vấn đề quản lý F0 tại nhà, thành lập và đưa vào hoạt động các Trạm Y tế lưu động, tăng cường y tế cơ sở trong phòng-chống dịch. Trong vấn đề điều trị bệnh nhân Covid-19, tỉnh cần quan tâm đến oxy y tế, có phương án cụ thể để khi cần là triển khai áp dụng ngay. Đối với thuốc điều trị Covid-19, tỉnh Gia Lai lập kế hoạch, Bộ Y tế sẽ rà soát và phân bổ phù hợp cho tỉnh góp phần điều trị hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong.
 
https://www.baogialai.com.vn/ 

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công