DDCI Gia Lai năm 2020: Các đơn vị, địa phương cần cải cách để công khai, minh bạch

Ngày đăng: 27/05/2021, 13:42

(GLO)- Theo kết quả khảo sát DDCI Gia Lai 2020 về tính kịp thời của các chính sách hỗ trợ đến với doanh nghiệp (DN), có tới 55,75% DN cho rằng việc thực thi là chậm trễ và không thể tiếp cận được các chính sách. Điều này đặt ra yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành và địa phương phải nỗ lực hơn nữa để cải cách, nâng cao tính minh bạch nhằm cải thiện vị trí của mình trên bảng xếp hạng.
 
Nỗ lực đồng đều ở các sở, ngành
 
Năm 2020 là năm thứ 2 Gia Lai triển khai đánh giá chất lượng, năng lực quản lý, điều hành của các sở, ngành và địa phương thông qua bộ chỉ số DDCI với sự tham gia đánh giá của gần 3.500 DN, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh toàn tỉnh. Kết quả điểm số trên bảng xếp hạng DDCI năm 2020 của các sở, ban, ngành là tương đối đồng đều.
 
Hai chỉ số thành phần (CSTP) có điểm trung vị cao nhất trong nhóm sở, ban, ngành là chi phí thời gian và tính minh bạch với số điểm lần lượt là 7,81 điểm và 7,64 điểm. So với năm 2019, các CSTP chi phí thời gian, tính minh bạch, hỗ trợ DN và thiết chế pháp lý giảm về điểm trung vị; khoảng cách điểm giữa đơn vị đứng đầu và cuối năm 2020 là 2,5 điểm, tăng 0,15 điểm so với năm 2019.
 
Năm 2020, Cục Thuế tỉnh là đơn vị có điểm số DDCI cao nhất trong nhóm sở, ban, ngành với 70,79 điểm. Ông Ksor Kút-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh-cho biết: “Chưa bao giờ tốc độ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế diễn ra với mức độ nhanh và mạnh mẽ như thời gian vừa qua. Ngành Thuế đã và đang thực hiện “mục tiêu kép” về cải cách TTHC thuế nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”. 
 
Giải quyết thủ tục hành chính ở Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh 1
Người dân ngày càng hài lòng khi giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Hà Duy
 
Theo ông Ksor Kút, để thực hiện những yêu cầu đó, Cục Thuế tỉnh đang từng bước “điện tử hóa” hầu hết các mặt quản lý thuế, trong đó có công tác cải cách TTHC; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giải đáp và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các DN phát triển, thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thuế.
 
Sau Cục Thuế tỉnh trong bảng xếp hạng DDCI năm 2020, Bảo hiểm Xã hội tỉnh xếp thứ 2 (70,78 điểm); Sở Kế hoạch và Đầu tư xếp thứ 3 (70,7 điểm); Sở Giao thông-Vận tải xếp thứ 4 (70,54 điểm). Đồng thời, cũng có một số sở, ngành tụt hạng “không phanh” như: Sở Nông nghiệp và PTNT tụt hạng tới 10 bậc xếp vị thứ 15/17 với (68,59 điểm); Cục Quản lý Thị trường giảm 4 bậc và xếp vị thứ 16/17 với 68,54 điểm; Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh giảm 7 bậc và xếp chót bảng với 68,29 điểm. 
 
Cải thiện chất lượng điều hành ở địa phương
 
Đối với cấp địa phương, năm 2020, bảng xếp hạng DDCI được triển khai đánh giá ở cả 17 huyện, thị xã, thành phố, tăng 5 đơn vị so với năm 2019. Các huyện được đánh giá thêm trong năm 2020 gồm: Đak Pơ, Ia Pa, Mang Yang, Phú Thiện và Kông Chro. Việc bổ sung thêm 5 huyện giúp Gia Lai có bức tranh toàn diện về chất lượng điều hành của các đơn vị hành chính thuộc tỉnh. 
 
Điểm số DDCI tổng hợp nhóm này năm 2020 dao động trong khoảng từ 52,01 đến 69,25 điểm. 3 đơn vị được DN đánh giá có chất lượng điều hành tốt nhất là thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và huyện Đức Cơ. Trong đó, đứng đầu là thị xã Ayun Pa với 69,25 điểm, tăng 2 bậc so với năm 2019. Mức điểm số ở các CSTP của thị xã nằm trong khoảng 6,07-7,87 điểm. Trong 8 CSTP, thị xã Ayun Pa có 3 CSTP có kết quả tốt là tính minh bạch, tính năng động và chi phí thời gian. 
 
Ông Bùi Hữu Tuấn-Trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch thị xã Ayun Pa-cho biết: “Sự nỗ lực của thị xã đã được DN ghi nhận, nhất là ở một số CSTP như tính minh bạch, việc tiếp cận thông tin. Đối với chỉ số chi phí thời gian, tiêu chí “Cán bộ hướng dẫn rõ ràng, đầy đủ” được đánh giá tốt với 94,44% DN đồng ý, tiêu chí “Cơ chế phối hợp trong giải quyết công việc cho DN” có 96,97% DN đồng ý”.
 
Nhiều doanh nghiệp mong muốn các sở, ngành và địa phương tiếp tục cải thiện năng lực điều hành kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Hà Duy
Nhiều doanh nghiệp mong muốn các sở, ngành và địa phương tiếp tục cải thiện năng lực điều hành kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh. Ảnh: Hà Duy
 
Xếp thứ 2 trong nhóm địa phương là thị xã An Khê với 68,61 điểm. Điểm số DDCI năm 2020 của thị xã An Khê tăng 6,55 điểm và tăng 3 bậc so với năm trước. Xếp thứ 3 trên bảng xếp hạng là huyện Đức Cơ. Mặc dù nằm trong tốp 3 với 67,43 điểm, song Đức Cơ đã tụt 2 bậc so với năm 2019. Nguyên nhân là do huyện có tới 5 CSTP giảm điểm: chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và vai trò người đứng đầu.
 
3 địa phương xếp ở những vị thứ cuối cùng trong nhóm cấp địa phương không thay đổi so với năm 2019, vẫn là huyện Chư Pưh (53,71 điểm), Chư Păh (52,83 điểm) và đơn vị tham gia đánh giá lần đầu là Phú Thiện (52,01 điểm). 
 
Ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho hay: Theo kết quả khảo sát DDCI 2020 về những tác động do dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của DN thì có đến 94,66% DN cho biết bị ảnh hưởng, trong đó có 56,63% bị ảnh hưởng một phần, 28,81% ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh và 9,22% là rất nghiêm trọng.
 
“Theo kết quả khảo sát DDCI Gia Lai 2020 về tính kịp thời của các chính sách hỗ trợ đến với DN, có tới 55,75% DN cho rằng việc thực thi là chậm trễ và không thể tiếp cận được các chính sách. Điều này đặt ra yêu cầu trong thời gian tới, các sở, ngành và địa phương phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để cải thiện năng lực điều hành kinh tế, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, đó cũng là giải pháp để cải thiện vị trí của mình trên bảng xếp hạng DDCI”-ông Thành nói.
 
Trích nguồn: https://baogialai.com.vn/

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công