Gia Lai: Cây điều canh tác chưa bền vững

Ngày đăng: 15/04/2021, 14:17

(GLO)- Điều là một trong những cây trồng chủ lực ở các huyện biên giới tỉnh Gia Lai. Bước vào vụ thu hoạch năm nay, năng suất điều giảm mạnh do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh, trong khi giá bán không tăng so với năm ngoái.
 
Năng suất giảm mạnh
 
Đức Cơ là một trong những địa phương có diện tích điều lớn nhất tỉnh với khoảng 4.500 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, tập trung chủ yếu tại các xã: Ia Krêl, Ia Dom, Ia Din, Ia Nan… Những năm qua, cây điều đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
 
Tuy nhiên, vào dịp Tết Nguyên đán 2021, khi điều đang ra hoa rộ thì xuất hiện mưa khiến cây không thể đậu quả hoặc quả bị rụng. Năng suất điều giảm mạnh, trong khi giá bán không tăng so với năm ngoái.
 
Người trồng điều huyện Đức Cơ tiếp tục đối mặt với một vụ mùa thất thu. Ảnh: Quang Tấn
Người trồng điều huyện Đức Cơ tiếp tục đối mặt với một vụ mùa thất thu. Ảnh: Quang Tấn

 

Ông Siu Loan (làng Mook Trêl, xã Ia Dom) có khoảng 5 ha điều trồng từ năm 2000. Không chỉ chịu ảnh hưởng do cơn mưa hồi Tết mà vườn điều của gia đình ông còn bị sâu đục thân gây hại.
 
“Dự kiến năng suất điều năm nay giảm hơn một nửa so với năm ngoái. Vụ điều năm 2019-2020 dù mất mùa, mất giá nhưng mình vẫn thu được 70 triệu đồng. Còn năm nay chắc chỉ được khoảng 30 triệu đồng”-ông Loan buồn rầu nói.
 
Tình cảnh của anh Nguyễn Vĩnh Lê (làng Krêl, xã Ia Krêl) cũng không khá hơn. Anh cho biết: “Để có thêm thu nhập, tôi bỏ ra 70 triệu đồng thuê 3 ha điều đang giai đoạn kinh doanh của người dân trong thời gian 3 năm. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết năm nay khá phức tạp, đợt ra hoa đầu thì gặp mưa, đợt ra hoa sau thì gặp nắng gắt cộng sương muối khiến hoa rụng nhiều, không đậu quả. Dự kiến, tôi chỉ thu được khoảng 1,5 tấn điều tươi. Với giá hiện tại là 23.000 đồng/kg thì không đủ bù đắp chi phí đầu tư, công thu hoạch”. 
 
Sâu bệnh hại cùng diễn biến thời tiết không thuận lợi khiến năng suất vườn điều hộ anh Hun giảm mạnh
Sâu bệnh hại cùng diễn biến thời tiết không thuận lợi khiến năng suất vườn điều của gia đình anh Rơ Châm Hun (làng Del, xã Ia Tô) giảm mạnh. Ảnh: Quang Tấn
 
Không khí vụ thu hoạch điều tại huyện Ia Grai cũng khá ảm đạm. Do ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh khiến năng suất vườn điều của anh Rơ Châm Hun (làng Del, xã Ia Tô) giảm mạnh. “Dự kiến 3 ha điều của gia đình năm nay chỉ thu được hơn 1 tấn tươi, giảm khoảng 60% so với vụ trước. Giá điều cũng khá bấp bênh, có thời điểm 29.000 đồng/kg nhưng hiện chỉ còn 23.000 đồng/kg. Không chỉ nhà tôi mà nhiều hộ trồng điều trên địa bàn cũng chịu cảnh mất mùa”-anh Hun rầu rĩ nói.
 
Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, năng suất điều phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhất là thời điểm cây ra hoa. Năm nay, do diễn biến thời tiết thất thường, xuất hiện mưa đúng lúc điều đang ra hoa làm cho hoa rụng nhiều dẫn đến năng suất giảm. Qua khảo sát cho thấy, năng suất điều vụ này giảm 20-30% so với vụ trước, nhiều vườn giảm tới 50%.
 
Hướng đến chuyên canh bền vững
 
Cây điều có khả năng chịu hạn tốt, không đòi hỏi kỹ thuật cao nên phù hợp với trình độ canh tác của người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để cây điều phát triển bền vững, các địa phương cần có chính sách đầu tư để nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây cũng như liên kết tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
 
Ông Trần Trọng Long-Chủ tịch UBND xã Ia Dom (huyện Đức Cơ) cho biết: Toàn xã có hơn 800 ha điều. Đây là một trong những cây trồng chủ lực của xã, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, diễn biến thất thường của thời tiết những năm qua cùng với sự bấp bênh về giá khiến người trồng điều gặp nhiều khó khăn. Do đó, để cây điều phát triển bền vững, UBND xã đã liên hệ với Công ty TNHH Olam nhằm xây dựng vùng chuyên canh gắn với chế biến và tiêu thụ.
 
“Vụ thu hoạch này, Công ty TNHH Olam đã bắt đầu thu mua hạt điều tại địa bàn. Công ty cũng cam kết cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc điều cho người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Xã đang tiếp tục làm việc với phía Công ty để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, từng bước xây dựng vùng chuyên canh cây điều phát triển theo hướng bền vững, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân”-Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho hay.
 
Cây điều ra hoa rất nhiều nhưng quả đậu ít do gặp mưa. Ảnh: Quang Tấn
Cây điều ra hoa rất nhiều nhưng quả đậu ít do gặp mưa. Ảnh: Quang Tấn


Còn theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, định hướng của huyện trong những năm tới là phát triển ổn định diện tích điều hiện có (khoảng 5.700 ha). Đồng thời, định hướng người dân tập trung đầu tư thâm canh để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

 

Đặc biệt, huyện chú trọng xây dựng các tổ liên kết sản xuất điều theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, người dân liên kết với Hợp tác xã Mật ong Phương Di xây dựng 2 tổ hợp tác sản xuất điều theo hướng hữu cơ với diện tích gần 1.000 ha. Cùng với đó, huyện cũng khuyến cáo người dân chuyển đổi những diện tích điều kém hiệu quả, năng suất thấp sang các cây trồng khác phù hợp hơn.

 
Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Toàn tỉnh hiện có 21.372 ha điều, tăng 7.315 ha so với năm 2015. Hầu hết diện tích điều trồng trước năm 2005, trồng bằng cây thực sinh và giống không đảm bảo chất lượng. Cây điều chủ yếu được trồng ở các triền đồi, vùng đất dốc, ít được đầu tư chăm sóc nên năng suất giảm dần qua các năm. Đặc biệt, niên vụ 2020-2021, năng suất điều giảm đáng kể do thời điểm cây phân hóa chồi, nụ hoa gặp mưa khiến hoa rụng, ít đậu quả.
 
“Thực hiện chủ trương của tỉnh, Chi cục đã phối hợp với các địa phương rà soát diện tích điều kém hiệu quả để chuyển đổi cây trồng phù hợp với chân đất. Dự kiến, trong giai đoạn 2021-2025, Chi cục tham mưu chuyển đổi 2.870 ha điều sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu. Giai đoạn 2026-2030, tỉnh tiếp tục chuyển đổi thêm 10.000 ha sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả.
 
Đồng thời, Chi cục và các địa phương sẽ tập trung hướng dẫn người dân đầu tư thâm canh 9-10 ngàn ha điều ở những chân đất phù hợp, từng bước hình thành các vùng chuyên canh gắn với 3 nhà máy chế biến trên địa bàn gồm: Nhà máy chế biến hạt điều của Công ty TNHH Olam, công suất 5.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến hạt điều Long Sơn Ayun Pa và Nhà máy chế biến hạt điều Long Sơn Krông Pa, công suất mỗi nhà máy 5.000 tấn/năm”-ông Khải cho biết.
 
QUANG TẤN-VĨNH HOÀNG - GLO

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công