Tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công
Tại điểm cầu Gia Lai có sự tham dự của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương liên quan.
![]() |
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lam Nguyên |
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, về kết quả chỉ số SIPAS năm 2020, 63 tỉnh, thành đều nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, dao động trong khoảng 75,68-95,76%. Tỷ lệ hài lòng trong tiếp cận dịch vụ công tăng đều mỗi năm, từ 77,86% (năm 2017) lên 87,41% (năm 2020). Người dân, tổ chức hài lòng nhất khi tiếp cận dịch vụ ở lĩnh vực giao thông, vận tải và ít hài lòng nhất là ở lĩnh vực đất đai, môi trường.
Đối với kết quả chỉ số PAR Index năm 2020 của 17 bộ, cơ quan ngang bộ, có 3 bộ đạt kết quả chỉ số trên 90%; 14 đơn vị đạt kết quả trên 80% đến dưới 90%. Giá trị trung bình chỉ số PAR Index của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019. Qua 9 năm triển khai xác định chỉ số PAR Index thì chỉ số năm 2020 đạt giá trị trung bình cao nhất. Đối với kết quả chỉ số PAR Index năm 2020 của các tỉnh, thành phố, dẫn đầu là 2 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng với kết quả từ 90% trở lên. Có 56 tỉnh, thành phố đạt kết quả từ 80% đến dưới 90%; 5 tỉnh, thành phố đạt kết quả từ 70% đến dưới 80%. Theo đánh giá, chỉ số PAR Index 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83,72%, cao hơn 2,57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81,15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông trình bày tham luận tại hội nghị. Ảnh: Lam Nguyên |
Trình bày tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông cho biết: Để không ngừng nâng cao sự phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2019, UBND tỉnh Gia Lai đã có chủ trương xây dựng đề án chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh để Bưu điện thực hiện. Đến tháng 6-2021, đã chuyển giao tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, 16/17 Bộ phận một cửa cấp huyện (đạt 94,11%), 14/220 Bộ phận một cửa cấp xã (đạt 6,36%). Theo ghi nhận, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trễ hạn giảm, năm 2020, tỷ lệ trễ hạn ở cấp tỉnh là 0,66% thì đến 6 tháng đầu năm 2021 đã giảm còn 0% trên hệ thống; tỷ lệ trả kết quả các dịch vụ đúng hạn đạt trên 99% (năm 2020 là 99,34%)…
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai hiệu quả chỉ số SIPAS và PAR Index, qua đó giúp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.