Gia Lai: Các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu ứng phó linh hoạt với dịch

Ngày đăng: 24/03/2020, 14:34

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các Khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu ở Gia Lai cũng ít nhiều chịu những tác động xấu.

Gia Lai hiện có Khu công nghiệp Trà Đa, Khu công nghiệp Nam Pleiku và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh. Thời gian qua, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nên hoạt động sản xuất kinh doanh của các Khu công nghiệp này cũng ít nhiều chịu những tác động xấu.

Để ứng phó với dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có những động thái xử lý thích hợp với hoàn cảnh thực tiễn để ổn định sản xuất kinh doanh.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là điểm giao thương hàng hóa trọng yếu với nước bạn Campuchia, do đó thời điểm này đang được kiểm soát rất chặt chẽ. Hiện hàng hóa và các phương tiện qua lại cửa khẩu giảm đáng kể, các doanh nghiệp hoạt động ở mức độ thăm dò tình hình thị trường, chưa tìm được nguồn hàng mới.

Bên cạnh đó, nguồn hàng gỗ nhập khẩu giảm mạnh nên các chỉ tiêu kinh tế quan trọng giảm, kéo theo lực lượng lao động cũng giảm.
Tính đến hết Quý I, kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh chỉ đạt hơn 14 triệu USD giảm gần 32% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước cũng chỉ đạt gần 850 triệu đồng giảm hơn 92%. Hiện khu vực cửa khẩu chỉ còn một vài doanh nghiệp nhập khẩu nông sản hoạt động với số lượng khá khiêm tốn.
Ông Bùi Thiên Ấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Mẫn cho biết, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cũng như chính quyền địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc trang bị đầy đủ khẩu trang, nước sát khuẩn cho công nhân bốc dỡ hàng hóa đảm bảo vệ sinh, dịch tễ cho công nhân, hạn chế tiếp xúc ngăn lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, hàng hóa từ Campuchia về cũng được khử trùng ngay tại trạm kiểm soát và thực hiện việc hoán đổi tài xế nhận bàn giao hàng tại cửa khẩu để đưa về kho bốc dỡ, sau đó bàn giao lại xe cho bên Campuchia.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 cũng như hàng hóa nhập khẩu về Việt Nam được thông quan thông suốt, các phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập khẩu khi đến điểm dừng của Trạm Kiểm soát liên hợp sẽ được phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực chở hàng và khoang lái.

Sau đó, các doanh nghiệp Việt Nam bố trí tài xế điều khiển phương tiện về điểm giao nhận hàng hóa để bốc dỡ. Sau khi bốc dỡ hàng hóa xong, tài xế Việt Nam sẽ trao trả lại phương tiện cho phía Campuchia để tiếp tục quay đầu. Trong thời gian chờ giao nhận hàng, tài xế phía Campuchia sẽ được hỗ trợ đưa vào khu vực cách ly tại khu vực Cửa khẩu.
“Trong điều kiện chống dịch như chống giặc, ngành đặt mục tiêu là hạn chế tối thiểu tiếp xúc với doanh nghiệp. Theo đó, hệ thống dịch vụ công trực tuyến của ngành cũng đã được tích hợp đầy đủ các dịch vụ để đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gửi các hồ sơ, chứng từ qua hệ thống.

Cán bộ, công chức toàn đơn vị tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên tinh thần thông quan một cách nhanh chóng nhất, tránh tụ tập đông người, ách tắc hàng hóa tại Cửa khẩu”, ông Hoàng Lương Quang, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh khẳng định.
Khu công nghiệp Trà Đa hiện có 51 nhà đầu tư, triển khai 57 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2.2 tỷ đồng tăng gần 14% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, ước tính quý I, giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt hơn 815 tỷ đồng (giảm 3,7% so với cùng kỳ); tổng doanh thu thuần hơn 300 tỷ đồng (giảm gần 30%); doanh thu công nghiệp hơn 230 tỷ đồng (giảm gần 23%) và kim ngạch xuất nhập khẩu cũng chỉ đạt gần 20 triệu USD (giảm gần 50%).
Là một doanh nghiệp chế biến gỗ cao su đang hoạt động tại khu công nghiệp Trà Đa, ông Mai Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai cho rằng, là nhà sản xuất, cung cấp nguyên liệu gỗ cao su đầu vào cho các đơn vị tinh chế xuất khẩu nên giai đoạn này doang nghiệp bị tác động khá mạnh, bởi các mặt hàng xuất khẩu đi các nước trên thế giới đang bị ngưng chệ do dịch bệnh COVID-19.

Hiện tại, sản lượng sản xuất của nhà máy chỉ còn khoảng 70%, do đó để tránh sự xáo trộn quá lớn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cán bộ, công nhân viên, đơn vị đang nỗ lực tìm đối tác trong thị trường nội địa.
“Để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, doanh nghiệp đã chủ động giảm ngày làm từ 6 ngày xuống còn 5 ngày/tuần và phân công hợp lý cán bộ, công nhân trong các ca làm việc để sản xuất bền vững.

Ngoài ra, mỗi công nhân trước khi vào ca làm việc đều phải thực hiện đầy đủ việc đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn nhằm ngăn ngừa dịch bệnh trong nhà máy nói riêng và trong cộng đồng xã hội nói chung”, ông Vinh chia sẻ.
Trao đổi về việc chủ động ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19 cho bản thân, ông Nguyễn Trọng Thanh, công nhân Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai cho biết: Công ty đã tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể cán bộ, công nhân và bản thân tôi cũng đã nhận thức rất rõ về sự nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 đến sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Do đó, mỗi ngày khi đến công ty làm việc, tôi đều thực hiện nghiêm việc đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn, đeo khẩu trang để phòng tránh dịch bệnh.
Có thể khẳng định, diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 hiện nay đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh Gia Lai. Trong đó, đặc biệt là tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng nguồn hàng nhập khẩu, nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và đầu ra của thị trường. Các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ phá sản.
Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Gia Lai, ông Phạm Văn Binh cho biết: Trước tình hình phức tạp của dịch bệnh, cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp chống dịch như chống giặc, tỉnh Gia Lai còn phải hoàn thành chỉ tiêu kép về phát triển kinh tế.

Do đó, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh đã làm việc với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để vừa điều chỉnh hợp lý phương án sản xuất vừa đảm bảo những giải pháp giãn cách xã hội.

Cụ thể, các doanh nghiệp phải chủ động thay đổi kế hoạch sản xuất, ví như trước đây làm việc 2 ca thì bây giờ tăng lên 3 ca để giảm bớt lượng người tham gia làm việc. Đặc biệt, tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, để đảm bảo hàng hóa được thông quan an toàn, lái xe nước bạn Campuchia không được phép đi sâu vào nội địa, mà phải dừng tại cửa khẩu để tiêu độc, khử trùng và đổi lái xe.

Cách làm này đã phần nào giảm tác động và ổn định được nguồn hàng hóa cho các doanh nghiệp hoạt động cũng như đời sống của nhân dân vùng biên giới./.

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công