Tình hình thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 và Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai

Ngày đăng: 19/07/2022, 17:26

       Ngày 19/7/2022 Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai đã ban hành báo cáo số 76/BC-BQLKKT về Tình hình thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 và xây dựng Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 vào các Khu công nghiệp và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, cụ thể như sau:
 
       I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022
       1. Thực trạng hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2022:
       1.1. Những kết quả đạt được:

        a) Cải thiện môi trường đầu tư:
 
        Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, sự hỗ trợ và đồng hành của các sở, ngành liên quan cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp nên hoạt động đầu tư, kinh doanh tại các Khu công nghiệp (KCN) và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (KKT Cửa khẩu) năm 2022 có bước phát triển tích cực, có hiệu quả; một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng như kim ngạch xuất nhập khẩu, nộp ngân sách Nhà nước... có sự tăng trưởng.
        Công tác cải cách hành chính (CCHC) được chú trọng triển khai thực hiện gắn với các giải pháp góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Gia Lai năm 2022 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự hấp dẫn, thuận lợi, thông thoáng, minh bạch và thân thiện cho nhà đầu tư/doanh nghiệp; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ phục vụ và trách nhiệm trong thực thi công vụ của đội ngũ công chức Ban Quản lý Khu kinh tế; Công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC được tiến hành thường xuyên. Các TTHC tiếp tục được duy trì rút ngắn thời gian xử lý trước hạn 30% so với thời gian quy định. Chất lượng, hiệu quả hoạt động cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong các KCN và KKT Cửa khẩu từng bước được nâng lên.
        Triển khai thực hiện và chấp hành nghiêm Quyết định số 319/QĐ-UBND ngày 09/7/2018 của UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Gia Lai và Thông báo số 62/TB-BQLKKT ngày 26/4/2017 của Ban Quản lý Khu kinh tế về việc phấn đấu giảm 30% thời gian trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, áp dụng từ ngày 03/5/2017.
 
            b) Tình hình thu hút đầu tư
 
      - Tại Khu công nghiệp Trà Đa:
 
        Trong 6 tháng đầu năm 2022, cấp 01 Quyết định chủ trương đầu tư cho 01 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 119,118 tỷ đồng. Cấp điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 02 dự án, trong đó có 01 dự án tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư tăng thêm là 28 tỷ đồng.
 
         Đến nay, KCN Trà Đa có 56 nhà đầu tư triển khai đầu tư 63 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.485 tỷ đồng (tăng 26,7 % so với cùng kỳ năm 2021); tổng vốn đầu tư đã thực hiện 2.492 tỷ đồng (tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2021), đạt 71,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó: có 05 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (chiếm 7,94% tổng dự án đầu tư vào KCN), vốn đầu tư đăng ký 454,528 tỷ đồng (chiếm 13,04 % tổng vốn đầu tư đăng ký tại KCN), vốn đầu tư thực hiện 446,512 tỷ đồng (chiếm 17,91% tổng vốn đầu tư thực hiện tại KCN).
 
         Nhà đầu tư vào KCN Trà Đa chủ yếu tập trung vào các ngành, nghề phát huy lợi thế về nguồn nguyên liệu của địa phương như: đá granite, nông sản, gỗ.
 
         - Tại Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh:
 
         Trong 6 tháng đầu năm 2022, không cấp mới dự án (Lý do: Ban Quản lý Khu kinh tế đang xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án); Cấp điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư cho 02 dự án.
 
          Đến nay, tại KKT Cửa khẩu có 32 nhà đầu tư thực hiện 39 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 541,8 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 232,6 tỷ đồng (đạt 42,9% tổng vốn đầu tư đăng ký). Các dự án chủ yếu hoạt động thương mại, dịch vụ, kinh doanh kho bãi phù hợp với khu vực cửa khẩu. Bước đầu đã có 04 dự án đầu tư tại Khu công nghiệp thuộc KKT Cửa khẩu (02 dự án chế biến, sản xuất gỗ, hàng nội thất xuất khẩu và 02 dự án chế biến nấm).
 
            - Tại Khu công nghiệp Nam Pleiku:
 
             Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Nam Pleiku - tỉnh Gia Lai đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 517,5 tỷ đồng với diện tích 191,55 ha.
            Trong quá trình triển khai dự án phát sinh một số khó khăn, vướng mắc về đấu nối giao thông, đấu nối nước mưa, nước thải, miễn giảm tiền thuê đất... nên phải tạm dừng để triển khai điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng (làm ảnh hưởng đến tiến độ đăng ký của dự án). Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Nam Pleiku. Ban Quản lý Khu kinh tế có nhiều văn bản và tổ chức làm việc đôn đốc nhà đầu tư triển khai các thủ tục liên quan tiếp theo.
 
           - Thu hút đầu tư nước ngoài:
 
          Hiện, trong KCN Trà Đa có 05 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI (chiếm 7,94% tổng dự án đầu tư vào KCN), vốn đầu tư đăng ký 454,528 tỷ đồng (chiếm 13,04 % tổng vốn đầu tư đăng ký tại KCN), vốn đầu tư thực hiện 446,512 tỷ đồng (chiếm 17,91% tổng vốn đầu tư thực hiện tại KCN); cụ thể:
 
+ Dự án chế biến cà phê và nông sản của Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities Việt Nam;
+ Dự án nhà máy chế biến cà phê Acom của Chi nhánh Công ty TNHH thương phẩm Atlantic Việt Nam tại Gia Lai;
+ Dự án mở rộng nhà máy chế biến nông sản Olam của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Gia Lai;
+ Dự án nhà máy thu mua, sơ chế nông sản của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam tại Pleiku;
+  Dự án nhà máy chế biến trái cây Quicornac của Công ty TNHH Quicornac.
 
          c) Kết quả hoạt động tuyên truyền, xúc tiến đầu tư
 
          - Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về tiềm năng, cơ hội đầu tư vào các KCN và KKT Cửa khẩu trên nhiều hình thức (báo, đài, đăng tải trên website Ban Quản lý Khu kinh tế...).
         - Gắn kết, phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xúc tiến đầu tư Trung ương để thông tin quảng bá, kêu gọi đầu tư.
 
         d) Hỗ trợ doanh nghiệp
 
        Cung cấp thông tin cho Trung tâm xúc tiến đầu tư đưa vào chương trình kêu gọi đầu tư, xúc tiến đầu tư của tỉnh giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các KCN, KKT Cửa khẩu; Xây dựng Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 của Ban Quản lý Khu kinh tế (Chương trình số 03/CTr-BQLKKT ngày 29/5/2021).
Biên tập và phát hành Sổ tay hướng dẫn đầu tư vào các KCN và KKT Cửa khẩu; thường xuyên phối hợp với Báo Gia Lai, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu, thu hút đầu tư vào các KCN, KKT Cửa khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu.
 
          1.2. Đánh giá chung
 
         Nhìn chung, các hoạt động xúc tiến đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 của Ban Quản lý Khu kinh tế phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, góp phần thiết thực vào việc thu hút các nguồn lực đầu tư. Ngày càng có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước quan tâm, đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư và thực hiện đầu tư.
 
         2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân:
         2.1. Tồn tại, hạn chế:
 
         Một số nhà đầu tư không nghiêm túc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ về tình hình triển khai dự án cho Ban Quản lý Khu kinh tế theo quy định về đầu tư.
 
        Một số nhà đầu tư không thực hiện hồ sơ điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư mặc dù đã được hướng dẫn.
        Một số trường hợp dự án hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động kéo dài; song, Ban Quản lý Khu kinh tế không có chức năng xử phạt, do đó, không có cơ sở thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án đầu tư để tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư khác.
 
        2.2. Nguyên nhân:
        a) Nguyên nhân khách quan:
 
       Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, xa cảng biển, việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ nên ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư.
      Hoạt động kinh doanh ở KKT Cửa khẩu chủ yếu theo mùa vụ, các chính sách xuất khẩu nước bạn thay đổi, đặc biệt mặt hàng gỗ xuất nhập khẩu qua biên giới giảm, chi phí vận chuyển cao, lượng hàng hóa qua cửa khẩu giảm, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu là các mặt hàng được hưởng thuế suất ưu đãi, vì vậy nộp ngân sách giảm. Nguồn cung hàng nông sản từ Campuchia về Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh giảm, các doanh nghiệp phải cạnh tranh giá mua với thị trường Thái Lan, Trung Quốc...
Lực lượng lao động tại khu vực cửa khẩu không đáp ứng được nhu cầu kể cả về lượng lẫn về chất, do đó, nhiều doanh nghiệp phải tuyển từ nơi khác đến.
 
       b) Nguyên nhân chủ quan:
 
       Các doanh nghiệp, nhà đầu tư có quy mô nhỏ và vừa; trình độ quản lý doanh nghiệp, dự án còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng
       Luật Đầu tư năm 2020 có những quy định mới về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại KKT Cửa khẩu. Theo đó phải tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
 
        II. DỰ KIẾN CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2023
        1. Quan điểm, định hướng, mục tiêu của Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023:
 
        Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
        Ưu tiên thu hút các dự án có năng lực tài chính, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, sử dụng nguồn nguyên liệu thế mạnh của địa phương chế biến sâu các sản phẩm nông sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách tỉnh và sử dụng nguồn lao động ổn định. Trước mắt, tập trung kêu gọi xúc tiến đầu tư các dự án sau:
 
- Sản xuất các sản phẩm từ cao su;
- Sản xuất vật liệu xây dựng không nung, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt;
- Chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột (nguyên liệu đầu vào được sản xuất theo quy trình UTZ, 4C và VietGAP);
- Chế biến sản phẩm hồ tiêu: Tiêu hạt và tiêu bột (nguyên liệu đầu vào được sản xuất theo quy trình VietGAP);
- Sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.
(Căn cứ Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về một số chính sách hỗ trợ đầu tư áp dụng tại địa bàn tỉnh Gia Lai). 
Và các dự án nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; rút gọn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục cản trở việc đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư; chú trọng nâng cao năng lực của cán bộ, công chức làm công tác xúc tiến đầu tư.
Theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các KCN và KKT Cửa khẩu là nền tảng trong chương trình xúc tiến đầu tư.
 
         2. Chương trình xúc tiến đầu tư vào các Khu công nghiệp và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh năm 2023
         2.1. Các hoạt động xúc tiến đầu tư:
          a) Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư:
 
       Tổ chức Đoàn công tác đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm xúc tiến đầu tư tại một số địa phương có nhiều kinh nghiệm và thành công trong công tác quảng bá, thu hút đầu tư.
Phối hợp với cơ quan xúc tiến đầu tư của Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức các đoàn ra xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến thương mại.
 
         b) Xây dựng cơ sở dữ liệu, các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư:
Cập nhật thông tin, số liệu, tài liệu theo định kỳ phục vụ cho hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư; Thường xuyên cập nhật và phổ biến chính sách, thông tin về môi trường đầu tư, cải cách hành chính, các thủ tục đầu tư.
Thu thập, hệ thống hóa các số liệu về môi trường đầu tư, pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư, tiềm năng, cơ hội và đối tác đầu tư. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu quảng bá các KCN và KKT Cửa khẩu.

         c) Xúc tiến đầu tư "tại chỗ"; Hoạt động hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường đối tác và cơ hội đầu tư; Triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư:
 
         Cung cấp thông tin kịp thời cho nhà đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, quy hoạch định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, các thủ tục đầu tư, tình hình đất đai, mặt bằng các KCN và KKT Cửa khẩu.
Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thường xuyên gặp gỡ nhà đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án đã được chấp thuận đầu tư hoạt động có hiệu quả.
Trong năm, Ban Quản lý Khu kinh tế tham gia Hội nghị Xúc tiến đầu tư do tỉnh tổ chức; đây là cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các KCN và KKT Cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
 
          d) Hoạt động đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về xúc tiến đầu tư:
Tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và các Hội nghị Xúc tiến đầu tư do Bộ, ngành và các đơn vị tổ chức.
 
          2.2. Giải pháp thực hiện:
 
          Để thực hiện được yêu cầu và nội dung Chương trình Xúc tiến đầu tư vào các KCN và KKT Cửa khẩu năm 2023, các phòng, đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau đây:
 
          - Thường xuyên rà soát, chuẩn hóa thủ tục hành chính và lộ trình áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4. Kết nối chia sẽ dữ liệu với cổng thông tin thủ tục hành chính của tỉnh và cổng dịch vụ công quốc gia.
          - Tập trung các giải pháp đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao hiệu quả quản trị về hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Thực hiện" công khai, minh bạch", cung cấp thông tin kịp thời và tin cậy tới doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
          - Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng đã xuống cấp.
          - Tăng cường tuyên truyền, quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào các KCN và KKT Cửa khẩu.
          - Tích cực tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, công chức làm công tác xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp…

 Phụ lục kèm theo:

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công