GIA LAI - THỦ PHỦ MỚI CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO NHIỀU DỰ ÁN ĐẦU TƯ TIỀM NĂNG

Ngày đăng: 27/11/2021, 16:45

Với sự hỗ trợ của Đại học Tôn Đức Thắng, tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018 tại TP.HCM. Đây là điểm nhấn quan trọng trong công tác xúc tiến đầu tư của địa phương này, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Hạ tầng tỉnh Gia Lai đang dần được đầu tư đồng bộ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, Hội nghị sẽ diễn ra tại Đại học Tôn Đức Thắng (quận 7, TP.HCM), với trên 300 khách mời tham dự. Hội nghị nhằm giới thiệu đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước về môi trường đầu tư thân thiện với nhiều tiềm năng và cơ chế thu hút đầu tư của tỉnh; cung cấp những thông tin và chính sách mới để khuyến khích các nhà đầu tư lựa chọn đầu tư vào tỉnh Gia Lai.

Hội nghị trên nằm trong kế hoạch hợp tác toàn diện giữa Đại học Tôn Đức Thắng và tỉnh Gia Lai. Trước đó, trong tháng 5, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư giữa TP.HCM và tỉnh Gia Lai năm 2018 diễn ra tại TP. Pleiku, Gia Lai, Đại học Tôn Đức Thắng đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức thành công Hội thảo khoa học về chủ đề xác định các dự án trọng điểm và các nhà đầu tư mục tiêu cần thu hút trong từng ngành kinh tế.

Ông Hồ Phước Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai sẽ ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 5 dự án, với tổng vốn đầu tư là 3.344 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh sẽ ký biên bản ghi nhớ 5 dự án khác cho các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất, với tổng mức đầu tư dự kiến là 5.900 tỷ đồng.

Các dự án có tổng vốn đầu tư 3.344 tỷ đồng gồm sân golf Đăk Đoa do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC thực hiện, Dự án Hạ tầng Khu công nghiệp Nam Pleiku, Dự án Siêu thị nội thất và khu dân cư tại TP. Pleiku, Dự án Nhà máy gạch không nung công nghệ cao Saphia Gia Lai tại Cụm công nghiệp Chư Sê và Trang trại phong điền HBRE Chư Prông. 

Lợi thế lớn về thu hút đầu tư

Theo đánh giá từ các nhà đầu tư, Gia Lai được xem là một địa phương có rất nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc First Real cho biết, lợi thế lớn của Gia Lai nằm ở vị trí chiến lược khi là trung tâm Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Tỉnh có hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo sự liên kết thuận lợi cả về liên vùng, liên tỉnh hay liên quốc gia, với tuyến Quốc lộ 14, Quốc lộ 19, Quốc lộ 78, Quốc lộ 25 đi qua, sân bay Pleiku với các chuyến bay hàng ngày đi TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và ngược lại. 

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) nhận định, thời tiết ôn hòa, nguồn đất đai rộng lớn (thứ 2 cả nước) là lợi thế rất lớn của tỉnh Gia Lai trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, khí hậu Gia Lai rất thích hợp cho việc phát triển các loại cây công nghiệp nói chung, cây ăn quả và cây rau nói riêng. Đất đai rộng lớn, quy mô tập trung thuận lợi cho việc liên kết tổ chức sản xuất với quy mô cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

“Lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành liên quan và lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh đã luôn ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi, tạo hành lang pháp lý thông thoáng để doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Đó cũng là một lợi thế quan trọng của Gia Lai trong thu hút đầu tư”, ông Khuê chia sẻ.

Bên cạnh tiềm năng về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, Gia Lai đang nổi lên như “thủ phủ” mới của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo. Qua khảo sát của một số nhà đầu tư, Gia Lai hiện có 4 khu vực tiềm năng điện gió rất lớn với công suất khoảng 1.800 MW. Trong đó, khu vực phía Đông có thể đạt công suất 700 MW, khu vực phía Đông Nam là 400 MW, khu vực phía Tây là 600 MW.

Về điện mặt trời, theo các nguồn dữ liệu khác nhau, Gia Lai có số giờ nắng bình quân 1.900 - 2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335 - 380 Kcal/cm2 và số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán từ 4,6 - 5,2 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn, quy mô công suất có thể đạt 7.500 MW. 

“Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của địa phương; các cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả; quyết tâm cao độ trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp của chính quyền tỉnh, Gia Lai trân trọng mời gọi, đón tiếp và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh nhà”, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành chia sẻ.

Theo Báo Đầu Tư

Tra cứu thông tin

Quy hoạch - Kế hoạch

Dự án đầu tư – Mua sắm công